CAO ĐẲNG NẤU ĂN: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh. Đề thi gồm có 2 phần: Đọc hiểu với 4 câu hỏi chiếm 30% số điểm và làm văn với 2 câu hỏi chiến 70% số điểm, thời gian để các bạn học sinh hoàn thiện bài thi là 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo.
SỞ GD&ĐT Tp HỒ CHÍ MINH CỤM 5 ĐỀ THI CHÍNH THỨC | ĐỀ LUYỆN TẬP THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017 Môn thi: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề) |
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc ngữ liệu dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
NHỮNG ĐIỂM SUY NGẪM VỀ ĐOÀN KẾT
- Đoàn kết là sự hài hòa bên trong mỗi người và giữa các cá nhân trong cùng một nhóm.
- Tình đoàn kết được xây dựng từ thái độ vô vị lợi, ánh nhìn sẻ chia, có chung niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
- Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng.
- Tính ổn định của tình đoàn kết bắt nguồn từ tinh thần bình đẳng và thống nhất. Sự vĩ đại của đoàn kết là ở chỗ tất cả mọi người đều được tôn trọng.
- Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình đối với công việc và làm cho bầu không khí trở nên ấm áp.
- Khi mỗi cá nhân ứng xử với nhau một cách ôn hòa, cả tập thể sẽ gắn bó bền chặt và theo đó, hiệu quả công việc cũng được nâng cao.
- Đoàn kết được giữ vững bởi việc tập trung năng lượng, chấp nhận và trân trọng giá trị của đông đảo đội ngũ những người tham gia, sự đóng góp độc đáo mà mỗi cá nhân thể hiện, sự duy trì lòng trung thành không chỉ đối với nhau mà còn đối với cả nhiệm vụ được giao. [...]
- Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người.
- Việc xây dựng tình đoàn kết trên thế giới đòi hỏi mỗi cá nhân phải xem nhân loại như gia đình của mình, đồng thời tập trung vào những đường hướng và giá trị tích cực.
(Trích "Những giá trị sống cho tuổi trẻ" của Diane Tillman – NXB Tổng Hợp TPHCM 2015)
1/ Xác định phương thức biểu đạt chính của ngữ liệu trên. (0,5 điểm)
2/ Nêu tác dụng của biện pháp điệp từ xuyên suốt văn bản. (0.5 điểm)
3/ Anh/Chị hiểu thế nào về suy ngẫm: "Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác"? (1,0 điểm)
4/ Anh/Chị có đồng ý với suy ngẫm: "Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người."? Vì sao? (Trình bày ngắn gọn). (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong ngữ liệu phần Đọc hiểu: "Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng."
Câu 2. (5,0 điểm)
"Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại"
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại"
(Trích "Mặt đường khát vọng"- Nguyễn Khoa Điềm)
Cảm nhận của anh/chị về vai trò của nhân dân đối với đất nước qua đoạn thơ trên. Từ hiểu biết chung về tác phẩm và đoạn trích này, hãy liên hệ so sánh ngắn gọn với một số thơ văn cùng đề tài để nêu bật nét mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm trong việc thể hiện tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân".
(HẾT)
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Phần đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. 0,5
Câu 2. Tác dụng của biện pháp điệp từ xuyên suốt văn bản:
- Đoàn kết. (0,25)
- Nhấn mạnh chủ đề, khắc sâu ấn tượng về giá trị của "đoàn kết". (0,25)
Câu 3 "Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác" có thể được hiểu: (1,00 điểm)
- Đoàn kết: kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung.
- Hợp tác: cùng chung sức giúp đỡ nhau trong một công việc, một lãnh vực nào đó nhằm thực hiện một mục đích chung. (0,50)
→ Nhằm thực hiện một mục đích chung (tốt đẹp), người ta sẵn sàng kết thành một khối thống nhất đề cùng hợp tác, giúp đỡ nhau trong các hoạt động. (0,50)
* Thí sinh (TS) có thể diễn đạt khác, nhưng chứng tỏ hiểu được nội dung câu nói, vẫn cho trọn điểm.
Câu 4 Ý kiến bản thân về suy ngẫm: "Đoàn kết đưa lại cảm giác thân thuộc và nâng cao hạnh phúc cho tất cả mọi người."? Vì sao? (Trình bày ngắn gọn).
* TS có thể chọn "đồng ý"/ "không đồng ý"/ "đồng ý một phần", nhưng nếu lập luận ngắn gọn, rõ ràng, hợp lí thì vẫn được trọn điểm (1,00). Sau đây là ý tham khảo:
- Đồng ý. Vì:
- Nhằm thực hiện một mục đích chung (tốt đẹp), người ta sẵn sàng kết thành một khối thống nhất đề cùng hợp tác, giúp đỡ nhau trong các hoạt động;
- Khi mỗi thành viên của tập thể được tôn trọng, tin tưởng, khuyến khích, họ sẽ tận hiến sức lực, tài năng cho công việc;
- Họ cảm nhận được tổ chức, đoàn thể, đồng đội, đồng chí như một gia đình hạnh phúc, như là anh em hòa thuận; ...
- Đồng ý một phần. Vì: Tuy cùng mục tiêu, lí tưởng, nhiệm vụ, nhưng mỗi người có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng nên không phải ai, không phải lúc nào cũng cảm thấy "thân thuộc", "hạnh phúc" với đơn vị mình, đồng đội mình...
* Nếu TS nêu lí lẽ lan man, lúng túng, GK tùy mức độ để cho điểm từ 0,25 đến 0,50
Phần làm văn
Câu 1
1/ Yêu cầu phương pháp [0,50]
- Kết cấu đoạn văn: Phải bảo đảm cấu trúc (mở, thân, kết).
- Phép liên kết câu: Có dùng một số phép LK thông dụng (Lặp, Thế, Nối, ...)
- Cách thức lập luận: Diễn dịch hoặc Quy nạp, Tổng - Phân - Hợp,... phải rõ ràng.
- Thao tác lập luận: Có dùng các thao tác: GT, CM+PT, BL.
- Dẫn chứng ngắn gọn, xác thực, tiêu biểu, thích hợp.
- Diễn đạt chuẩn xác, rõ ràng, linh hoạt; lập luận chặt chẽ, mạch lạc, thuyết phục.
2/ Yêu cầu nội dung
2a/ Mở đoạn: Trích dẫn, giới thiệu chủ đề đoạn văn. (Diễn dịch). [0,25]
2b/ Thân đoạn: Tập trung lập luận làm rõ chủ đề đoạn văn: [1,00]
b1/ Giải thích:
Đoàn kết: kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung.
b2/ Bàn luận:
* Phân tích: "Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng."?
- Mang đến tinh thần hợp tác; quy tụ được lực lượng lớn mạnh về trí tuệ, tài năng
- Khi được tôn trọng, tin tưởng, phát huy tối đa phẩm chất, năng lực, chúng ta sẽ hứng khởi, lạc quan, tự nguyện tự giác tận tâm tận lực với công việc chung
- Khi cùng đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp,... toàn tâm toàn ý với công việc chung, lí tưởng chung, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, sẽ có thêm động lực, năng lượng để vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
* Chứng minh: ngắn gọn, xác thực, tiêu biểu, thích hợp (thực tế đời sống, lịch sử, văn học...).
* Mở rộng:
- Nêu một số biện pháp xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết (có thể lấy ý từ ngữ liệu hoặc đề xuất riêng của người viết).
- Phê phán những cá nhân, tổ chức có biểu hiện trái với tinh thần đòan kết, hợp tác.
- Liên hệ bản thân.
2c/ Kết đoạn: Khẳng định chủ đề, nêu bài học nhận thức và hành động. [0,25]
* Lưu ý:
1/ Nội dung: Những nội dung trên đây chỉ mang tính định hướng. Trong thực tế, nếu đoạn văn có nội dung và trình tự lập luận lành mạnh, hợp lí, thuyết phục, GK có thể linh hoạt đánh giá theo hướng khuyến khích, phát huy năng lực và sáng tạo của TS.
2/ Phương pháp:
- Không có câu chủ đề: Trừ 0,25;
- Viết thành hai, ba đoạn: Trừ 0,50;
- Viết gấp đôi dung lượng yêu cầu (hơn một trang giấy thi): Trừ 0,25 - 0,50.
Câu 2
a/ Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. 0,50
b/ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về vai trò của nhân dân đối với đất nước qua đoạn thơ. Nét mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm trong nghệ thuật thể hiện tư tưởng"Đất Nước của Nhân dân" qua so sánh ngắn gọn với một số tác phẩm văn học cùng đề tài. 0,50
c/ Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 3,00
1/ Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm. 0,5
- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ ông giàu chất trí tuệ, suy tư sâu lắng,cảm xúc nồng nàn, trữ tình–chính luận.
- Đoạn trích "Đất Nước" (thuộc trường ca "Mặt đường khát vọng") thể hiện cảm nhận mới mẻ của tác giả về đất nước, nhấn mạnh tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" được diễn đạt sáng tạo bằng thể thơ hiện đại với nội dung đậm đà chất liệu văn hóa dân gian.
2/ Cảm nhận về vai trò của nhân dân đối với đất nước qua đoạn thơ; so sánh với thơ văn cùng đề tài để nêu bật nét mới mẻ, độc đáo của NKĐ trong việc thể hiện tư tưởng "ĐN của Nhân dân". 1,5
* Giải thích: Vai trò của nhân dân: Vị trí, cương vị, chức năng của nhân dân trong quá trình dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước.
2.1/ Cảm nhận về vai trò của nhân dân đối với đất nước qua đoạn thơ.[Trọng tâm]
2.1.1/ Chính nhân dân - những người vô danh, bình dị, anh hùng - đã "Làm nên Đất Nước muôn đời..." ("Có biết bao người ... làm ra Đất Nước").
2.1.2/ Chính nhân dân - người khai mở, kiến tạo và gìn giữ, lưu truyền những giá trị vật chất và tinh thần cho đất nước. ("Họ giữ và truyền ... trồng cây hái trái")
a/ Họ là người sáng tạo, gìn giữ nếp sinh hoạt bình dị của đời sống hàng ngày.
b/ Họ là người sáng tạo, giữ gìn tiếng mẹ đẻ; mở mang bờ cõi, khai phá đất đai, gìn giữ tên đất, tên làng; lưu truyền ngọn lửa văn hoá qua các thế hệ ...
c/ Họ là người phát triển kinh tế, lưu truyền kinh nghiệm lao động sản xuất cho muôn đời sau ...
2.1.3/ Chính nhân dân – những người anh hùng bất khuất, hi sinh thầm lặng, sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước trước những biến động lịch sử và hiểm họa ngoại xâm. ("Có ngoại xâm ... vùng lên đánh bại")
2.1.4/ Nghệ thuật ngợi ca, khẳng định vai trò của nhân dân đối với đất nước:
- Giọng thơ trữ tình – chính luận sâu lắng, thiết tha.
- Thể thơ tự do diễn đạt tự nhiên, linh hoạt, phóng khoáng.
- Ngôn ngữ, hình ảnh vừa giản dị, mộc mạc, gần gũi, quen thuộc vừa mang tính khái quát, trang trọng, thành kính; các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt.
2.2/ Nét mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm trong việc thể hiện tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân". 0,5
2.2.1/ So sánh ngắn gọn một số TPVH cùng đề tài. (Ví dụ: Nam quốc sơn hà, Thiên đô chiếu, Đại cáo bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Việt Bắc, Đất nước, ...):
- VH Trung đại: Tư tưởng quân chủ phong kiến, nhân dân ít được đề cao.
- VH Hiện đại: Tư tưởng dân chủ, nhưng nhân dân chưa là nhân vật chính xuyên suốt.
2.2.2/ Nét mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm trong việc thể hiện tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân": TS phải nêu được hai ý cốt lõi sau:
a/ Nội dung: Chủ đề xuyên suốt, tư tưởng mới mẻ, mang tính thời đại: Đất nước của Nhân dân.
b/ Nghệ thuật: Chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhị, sáng tạo.
* Lưu ý: Ở hai luận điểm chính này (2.1 và 2.2):
1/ Nếu TS lập luận đan xen, phân tích không theo định hướng (nhận định) thì chỉ cho điểm tối đa: 1,50/2,00.
2/ Nếu TS phân tích sơ lược hoặc diễn xuôi đoạn thơ thì cho điểm tối đa: 1,00/2,00.
3/ Đánh giá. 0,5
3.1/ Tác phẩm: Đoạn thơ thể hiện những cảm nhận và cách biểu đạt mới mẻ về vai trò của nhân dân trong lịch sử dựng nước, giữ nước; khẳng định một tư tưởng mang tính thời đại: "Đất Nước của Nhân dân".
3.2/ Tác giả: "Đất Nước", đoạn thơ, tiêu biếu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tác phẩm, đoạn trích không chỉ thể hiện tình cảm yêu nước sâu sắc của tác giả mà còn khơi dậy niềm tự hào về Tổ quốc, Nhân dân và ý thức trách nhiệm công dân
trong tâm tưởng mỗi người...
trong tâm tưởng mỗi người...
d/ Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về luận đề. 0,50
e/ Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,50
ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10,00 điểm
* Lưu ý chung:
1/ Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của TS cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
2/ Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng, lí lẽ thuyết phục, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
3/ Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng hoặc phần Thân bài ở câu Làm văn NLVH chỉ viết một đoạn. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
CAO ĐẲNG NẤU ĂN THEO VNDOC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét